Hiện đã sang tháng 4 DL, là thời kỳ giữa - cuối mùa khô hạn cạn kiệt, nắng nóng luôn gay gắt, đồng thời lại đang sắp bắt đầu có các cơn mưa chuyển mùa nên nghề nuôi thủy sản càng trở nên khó khăn, bất lợi và nhiều nguy cơ. Vì thế bà con nông dân phải hết sức chú ý cảnh giác và chuẩn bị tốt các điều kiện để ứng phó kịp thời cho đỡ bị thiệt hại.

Bảo đảm các yếu tố về môi trường sẽ có những vụ tôm bội thu. Ảnh: Thanh Trà

Khó khăn trong điều kiện sản xuất đặc thù

Các tháng cuối năm 2019, tình hình nuôi trồng thủy sản trong tỉnh Cà Mau tương đối thuận lợi là do thời tiết tốt và nhờ công tác quản lý về chất lượng con giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản thời gian qua được tăng cường khá tốt, nông dân thu hoạch khá, tôm bán được giá nên càng phấn khởi nhất là đối với mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến... Tuy nhiên bước sang năm 2020, nhất là sau dịp Tết Canh Tý do bị dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng, ngành chế biến xuất khẩu bị ách hàng, ngưng thu mua khiến giá tôm rớt sâu thê thảm, hiện nông dân nuôi tôm không có lãi nên tình cảnh thêm khốn khó. Trong khi đó tình hình nắng nóng gay gắt hiện nay vẫn đang tiếp diễn và sắp bắt đầu có mưa chuyển mùa, có thể sẽ gây ra nhiều nguy cơ dịch bệnh trên tôm nuôi, nhất là một số bệnh nguy hiểm như  đỏ thân, đốm trắng, gan tụy, chai còi, chậm lớn… là rất khó tránh khỏi, nên người nuôi và ngành chức năng cần có giải pháp phòng tránh để cùng hướng dẫn cho nông dân.

Đáng lưu ý là vùng sinh thái mặn do đã mở rộng vào sâu nội đồng để nuôi thủy sản, nhưng kênh rạch lại cạn dòng nhanh, mực nước trên ao đầm, ruộng nuôi hầu hết cũng đều xuống thấp,và do nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ trong nước, độ mặn và các độc tố hòa tan tăng cao dần theo sư khô kiệt hơn,thì tôm cua cá cũng sẽ càng khó sống khi gặp ngày nắng gắt nhiệt nóng tăng cao, hoặc do môi trường thay đổi đột ngột gây sốc trong những ngày mưa chuyển mùa.

Các giải pháp đề xuất

Sau thời kỳ khô hạn sẽ là thời kỳ mưa chuyển mùa với các hình thế đặc trưng là mưa giông nhiệt vào buổi xế chiều cường độ lớn đi kèm gió cuốn dữ dội nên cần đề phòng úng ngập cục bộ trên diện rộng, nông dân Cà Mau sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn mới tiếp theo. Vì thế cần phải tăng cường năng lực ứng phó thường xuyên trước những diễn biến thời tiết do chuyển mùa và ảnh hưởng biến đổi khí hậu, phải chủ động phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ sản xuất cho đạt hiệu quả theo hướng nâng cao được giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trước mắt, đối với các vùng tôm quảng canh, vận động nông dân chú ý tận dụng các con nước rong lấy nước và trữ vào ao - khu lắng và xử lý tốt để châm bù cho ao đầm, ruộng nuôi nhằm ngăn ngừa thiệt hại do biến động môi trường ảnh hưởng nắng nóng làm độ mặn, độ độc và các loại dịch bệnh tăng cao.

Đặc biệt đối với vùng nuôi tôm công nghiệp, nuôi siêu thâm canh cần chú ý chọn lấy và giữ gìn nguồn nước tốt, phải cho qua lắng lọc, xử lý đúng quy trình mới được cho vào ao nuôi tôm công nghiệp. Phải quản lý, thu gom bảo quản và xử lý tốt nguồn chất thải, nước thải nhằm bảo vệ tốt môi trường vùng nuôi, không để ô nhiễm nước bẩn từ vùng nuôi tôm công nghiệp lan tỏa đến các vùng nuôi khác.

Bên cạnh đó cũng cần có giải pháp chống nóng cho tôm, như khi cải tạo phải hạ thấp mặt đáy ao đầm cho mực nước đạt độ sâu an toàn, hoặc thiết kế vách - đáy ao đầm theo dạng bậc thang hợp lý với nhiều độ sâu khác nhau, hay có thể làm những hố trũng sâu hơn mặt đáy ao đầm, rộng chừng vài chục m2/hố nằm rải rác và có rãnh liên thông nhau, thông với kinh dẫn, thoát nước nội đồng chính, hoặc tạo thành từng băng - vạt trũng thấp cho tôm có chỗ “trú nóng” tạm thời, để khi bị nắng nóng tôm tự tìm về những nơi nước sâu đó ẩn trú, tự thích nghi cho qua cơn nóng. Có thể kết hợp những nơi hạ thấp mặt đất đáy ao đầm này với các bãi chà có che mát bằng rơm cỏ, cành lá phía trên càng tốt.

Nhưng giải pháp cơ bản, bền vững tốt nhất là thường xuyên duy trì mực nước ao nuôi luôn đảm bảo được độ sâu an toàn, ổn định tối thiểu phải đạt 40 - 50cm trở lên, để nhiệt độ nước ít bị biến động do nắng nóng, giúp giữ được tính ổn định các yếu tố môi trường nước cho tôm có đủ điều kiện tốt phát triển bình thường.

Ngoài ra bà con nông dân các địa phương cần chuẩn bị máy bơm để có thể can thiệp kịp thời nhằm tránh được úng ngập cục bộ sau những trận mưa lớn khi mưa chuyển mùa hay trong các cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt với thời tiết nắng nóng cao độ như năm nay những trận mưa đầu mùa sẽ có nguy cơ nhiều giông - sét, tố lốc, vòi rồng, cần đề phòng để trú tránh an toàn.

Ks. Nguyễn Văn Thước